Phân tích thị trường là gì? Tổng quan về phân tích thị trường

Thị trường luôn luôn thay đổi và ngày càng trở nên phức tạp. Để nắm bắt được những thay đổi và hiểu rõ về thị trường, phân tích thị trường là công cụ không thể thiếu. Vậy phân tích thị trường là gì? Bạn cần biết gì về công cụ tuyệt vời này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

Phân tích thị trường là gì?

Định nghĩa phân tích thị trường

Phân tích thị trường là hoạt động thu thập, xử lý và đánh giá thông tin từ nhiều nguồn để cung cấp một cái nhìn vừa bao quát vừa chuyên sâu về mọi yếu tố trong thị trường cụ thể, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Phân tích thị trường có phải là nghiên cứu thị trường?

Trong mọi câu trả lời cho câu hỏi phân tích thị trường là gì, nghiên cứu thị trường không phải là đáp án. Cả phân tích thị trường và nghiên cứu thị trường đều còn khá mới tại Việt Nam. Mặc dù nhiều công ty lớn đã thực hiện hơn chục năm nay, nhưng đối với đại đa số doanh nghiệp thì vẫn còn rất bỡ ngỡ và lẫn lộn giữa hai hoạt động này. 

Hiện nay, cả hai khái niệm được nhiều nơi dùng thay thế, trộn lẫn với nhau do có sự tương đồng về phương pháp và mục tiêu ở một mức độ nhất định. Để chính xác phân biệt phân tich thị trường và nghiên cứu thị trường, vui lòng xem bảng so sánh sau:

Phân tích thị trường Nghiên cứu thị trường
Hỗ trợ phát triển chiến lược kinh doanh Hỗ trợ phát triển chiến lược marketing
Đưa ra kế hoạch ngắn, trung và dài hạn Đưa ra kế hoạch ngắn hạn
Đem lại cái nhìn đa chiều và tổng thể thị trường, bao gồm mọi stakeholders Tập trung vào tâm lý và hành vi khách hàng
Xem xét đa dạng điểm dữ liệu từ quá khứ đến dự đoán tương lai Xem xét dữ liệu ở thời điểm hiện tại
Cần thiết cho tất cả các ngành Ứng dụng nhiều trong ngành FMCG

Như vậy, ta thấy nghiên cứu thị trường là một phần của phân tích thị trường. Trên thực tế, khái niệm nghiên cứu thị trường có phần được biết đến nhiều hơn nhờ danh tiếng của công ty Nielsen và sự phát triển mạnh mẽ của mặt hàng FMCG tại Việt Nam. 

 

Mối quan hệ giữa phân tích thị trường và nghiên cứu thị trường

Mối quan hệ giữa phân tích thị trường và nghiên cứu thị trường

Bạn có thể đã nghe nói đến nghiên cứu thị trường B2C và nghiên cứu thị trường B2B, khái niệm thứ hai chính là để chỉ phân tích thị trường. Mặc dù rõ ràng, cả hai đều là phục vụ cho doanh nghiệp. 

Do sự phổ biến của nghiên cứu thị trường trong ngành FMCG (vốn chủ yếu bán lẻ cho khách hàng cá nhân) và mập mờ khái niệm hiện nay mà việc gọi phân tích thị trường là nghiên cứu thị trường B2B khá phổ biến, rất mong bạn đọc lưu ý.

Phân tích thị trường giúp bạn làm gì?

Phân tích thị trường rất quan trọng đối với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là startup thì càng cần đến phân tích thị trường. Nói chung, phân tích thị trường giúp bạn xác định cơ hội kinh doanh hấp dẫn và đề ra cách tiếp cận hiệu quả. Hoạt động này hỗ trợ doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng một cách khôn khéo bằng cách tìm hiểu sở thích, thói quen của họ. 

Hơn nữa, phân tích thị trường còn giúp ta biết được xu hướng thị trường hiện nay và tạo ra xu hướng mới nhờ vào hiểu biết nhu cầu khách hàng. Nhờ đó mà đưa ra các chiến lược hành động kịp thời và đúng lúc để nắm bắt thời cơ và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. 

Chưa hết, phân tích thị trường còn có thể tìm ra các vấn đề đang tồn tại trong doanh nghiệp của bạn và đề xuất phương án cải thiện dựa vào tình hình thị trường.

Cụ thể hơn, phân tích thị trường giúp bạn:

  • Thâm nhập/mở rộng thị trường mới
  • Ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ mới
  • Đẩy mạnh nhận biết thương hiệu
  • Tối ưu hóa chiến dịch tiếp thị 
  • Cải thiện dịch vụ khách hàng
  • Thay đổi nhận thức thông điệp về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn
  • Điều chỉnh giá cả
  • Thay đổi bao bì sản phẩm hoặc phương thức giao hàng
  • Phát triển chuỗi cung ứng, v.v

Các khía cạnh của phân tích thị trường 

Để có thể vẽ nên một bức tranh chi tiết nhưng tổng quát về thị trường, phân tích thị trường thường nhìn vào các khía cạnh phổ biến sau đây. 

Phân tích thị trường bao gồm rất nhiều khía cạnh

Phân tích thị trường bao gồm rất nhiều khía cạnh

Quy mô thị trường

Quy mô/kích thước thị trường giúp doanh nghiệp biết được miếng bánh thị trường lớn cỡ nào. Đây là khía cạnh quan tâm lớn nhất khi doanh nghiệp muốn tiến vào một thị trường mới.

Quy mô thị trường thường được đo lường theo hai đơn vị, số lượng và giá trị. Ví dụ quy mô thị trường sàn nhựa sẽ được tính theo số mét vuông sàn sử dụng hàng năm (hoặc số mét vuông bán ra) và tổng giá trị của số mét vuông sàn này. 

Phân khúc thị trường

Khi đã có được miếng bánh lớn rồi, chúng ta sẽ nhìn vào cách miếng bánh được chia nhỏ theo nhiều cách. Phân khúc thị trường có thể chia theo:

  • Giá cả: cao cấp, trung cấp, thấp cấp
  • Địa lý: khu vực miền Bắc, Trung, Nam
  • Loại sản phẩm: ví dụ sàn nhựa có LVT, SPC, WPC, v.v
  • Ứng dụng: các ngành nào đang sử dụng sản phẩm. Ví dụ: y tế, giáo dục, dân cư, v.v
  • Đối tượng khách hàng: chia theo nhân khẩu học hoặc nhóm khác như dân dụng vs dự án, xây mới vs sửa nhà, v.v

Khi phân tích phân khúc thị trường, ta có thể nhìn vào nhiều phân khúc từ nhiều cách chia khác nhau để có kết luận phù hợp.

Tốc độ tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng quyết định mức độ tiềm năng của một thị trường. Tốc độ tăng trưởng tốt là tín hiệu của một thị trường béo bở. Ngoài việc nhìn vào mỗi năm doanh thu tăng giảm bao nhiêu phần trăm, tốc độ tăng trưởng còn được đo theo chỉ số CAGR (Compound annual growth rate) – Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép.

Chỉ số này được tính dựa vào sự tăng giảm của quy mô thị trường qua các năm và giúp bạn hình dung được hướng đi chung của thị trường, từ đó đưa ra dự đoán về tương lai. CAGR đại diện cho khả năng hoàn vốn đầu tư. Con số này càng cao thì thị trường càng có tương lai khả quan.

Xu hướng thị trường

Xu hướng thị trường là một phần thiết yếu trong phân tích thị trường. Nắm bắt được xu hướng thị trường giúp bạn quyết định mình nên bán sản phẩm nào. Khi phân tích xu hướng thị trường ta thấy được khách hàng ưa chuộng sản phẩm gì? Đặc điểm, tính chất gì họ đang quan tâm? Họ đang làm gì và vì sao?

Xu hướng thị trường giúp ta nắm bắt được cơ hội kinh doanh sản phẩm tiềm năng. Ngoài ra, khía cạnh này cũng phát hiện được các sản phẩm lỗi thời, không còn phù hợp thời đại để doanh nghiệp tránh đầu tư.

Mức độ cạnh tranh

Mức độ cạnh tranh thị trường thể hiện ở số lượng đối thủ và thị phần của họ, doanh nghiệp mới có dễ dàng tham gia thị trường, nguồn hàng có dồi dào hay không, v.v 

Khi phân tích mức độ cạnh tranh, ta cũng nghiên cứu các điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ để học hỏi rút kinh nghiệm và cân nhắc đưa ra phương án cạnh tranh thích hợp.

Kênh phân phối

Không có kênh phân phối thì sẽ không đưa được sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng. Phân tích thị trường cần cân nhắc và xem xét sự hiệu quả của kênh phân phối hiện tại hoặc cách xây dựng một kênh phân phối mới sao cho phù hợp với tình hình và xu hướng thị trường nhất.

Luật pháp

Khi muốn tiến vào một thị trường mới, đôi khi doanh nghiệp cần phải có các giấy phép, giấy chứng nhận đặc biệt. Phân tích thị trường sẽ giúp bạn tìm hiểu các yêu cầu pháp lý, quy trình, chi phí và thời gian thực hiện những yêu cầu này.

Khác

Ngoài các khía cạnh kể trên, phân tích thị trường còn đặt toàn bộ thị trường vào nền kinh tế vĩ mô và xã hội để đánh giá và tìm ra các yếu tố thúc đẩy cũng như cản trở. Các khía cạnh thường được xem xét là tình hình kinh tế, chính trị, công nghệ, môi trường, đạo đức, và văn hóa.

Phát triển kế hoạch phân tích thị trường

Phân tích thị trường là một bước chiến lược trong phát triển kế hoạch kinh doanh, chúng ta cần lên kế hoạch cẩn thận và bài bản để tránh phạm phải các sai lầm trong phân tích thị trường, dẫn đến kết quả khó lường.

 Cần phải có kế hoạch phân tích chiến lược bài bản

Đặt vấn đề và xác định mục tiêu phân tích thị trường

Trước hết, chúng ta phải xác định rõ hoàn cảnh nào khiến bạn cần phân tích thị trường. Có thể là muốn tìm hiểu một thị trường mới hoặc giải quyết một khúc mắc hiện tại trong doanh nghiệp. 

Sau đó ta đưa ra các mục tiêu cụ thể cho bài phân tích thị trường của mình. Một bài phân tích thị trường thường có 3-5 mục tiêu và cần đạt được tiêu chuẩn SMART: specific – cụ thể, measurable – đo lường được, achievable – có thể đạt được, relevant – phục vụ cho mục đích chung, không lạc đề & time-bound – trong một thời gian cụ thể.

Ví dụ mục tiêu đạt tiêu chuẩn SMART:

  • Tìm hiểu kênh phân phối nào khách hàng ưa chuộng nhất để ưu tiên đẩy mạnh trong quý 4.
  • Tìm hiểu lý do lượng khách hàng giảm trong 3 tháng gần đây để phát triển chiến lược giữ chân khách hàng trong 12 tuần.
  • Xác định dòng sản phẩm tiềm năng nhất trong ngành X và xây dựng kế hoạch phát triển thị trường 3 năm.

Thiết kế phân tích thị trường

Tại bước này, doanh nghiệp sẽ cùng với một công ty phân tích thị trường hay tự làm một kế hoạch phân tích thị trường bao gồm các bước sau:

  • Chọn phương pháp phân tích: nghiên cứu sơ cấp hay thứ cấp, định lượng hay định tính
  • Thu thập dữ liệu: thiết kế mẫu, bảng câu hỏi, tiến hành fieldwork thu thập thông tin
  • Xử lý và phân tích dữ liệu: lọc dữ liệu sai, thiếu logic hoặc không đáng tin; sau đó dùng các công cụ và framework tiêu chuẩn để phân tích
  • Đưa ra kết luận và đề xuất dựa trên phân tích có được

Trong cả quá trình này có rất nhiều điều cần cân nhắc và lưu ý, bạn đọc vui lòng tham khảo bài viết hướng dẫn cách phân tích thị trường chi tiết và cách tìm và đọc báo cáo phân tích thị trường.

Kết quả cần đạt

Khi thực hiện phân tích thị trường, ta phải làm rõ sau khi thu thập và xử lý thông tin chúng ta sẽ nhận được cụ thể là những gì. Một số yêu cầu thường gặp, nhưng không giới hạn chỉ trong danh sách này là: số lượng đáp viên cần đạt được, transcript, file ghi âm, định dạng báo cáo, cách trình bày thông tin dữ liệu, v.v.

Chi phí và ngân sách

Sau khi thiết kế hành động cụ thể, chúng ta đã biết được mình cần làm những gì để lên danh sách và tính toán chi phí. Sau đó doanh nghiệp có thể đối chiếu và cân nhắc mục tiêu, kết quả muốn nhận được để điều chỉnh phương pháp trong phạm vi ngân sách cho phép nhằm vận dụng tối ưu chi phí và hiệu quả của phân tích thị trường.

Lên timeline hành động

Một chiến lược hiệu quả cần có một kế hoạch hành động theo timeline cụ thể. Thông thường doanh nghiệp sẽ sử dụng Gantt chart nhưng bạn có thể tùy biến theo quy mô dự án và khả năng của bản thân.

Hãy cố chia nhỏ các tác vụ cần thiết và cân nhắc cái gì nên làm trước, cái gì nên làm sau và trong thời gian bao lâu. Bạn cũng nên dự trù một chút thời gian dư ra đề phòng trường hợp một số công việc không hoàn thành kịp tiến độ vì một lý do nào đó.

Đánh giá chất lượng và cải thiện chiến lược phân tích thị trường

Để đảm báo bài phân tích thị trường của bạn đem lại kết quả chính xác và đáng tin cậy, bạn nên thực hiện đánh giá chất lượng sau khi thực hiện xong và luôn luôn cố gắng lần sau làm tốt hơn lần trước. Sau đây là một số câu hỏi giúp bạn kiểm soát và cải thiện chất lượng phân tích thị trường.

 

Mô hình đánh giá chất lượng và cải thiện chiến lược phân tích thị trường

Mô hình đánh giá chất lượng và cải thiện chiến lược phân tích thị trường

Vì sao bạn thực hiện phân tích thị trường?

Bạn cần bước lùi lại và cân nhắc mục đích và mục tiêu phân tích thị trường của mình đã rõ ràng và khớp với nhau chưa? Mục tiêu có phi thực tế không? 

Hãy chắc chắn rằng mục tiêu của bạn được đề ra để hỗ trợ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp chứ không phải để phục vụ mục đích riêng. Các mục tiêu chung chung hay “có thì tốt” nhưng không phục vụ mục đích chung cũng dễ khiến phân tích thị trường trở nên rối rắm, lạc hướng và gây lãng phí cho doanh nghiệp..

Bạn đã có được kết quả cần thiết chưa?

Sau khi thực hiện phân tích thị trường xong, chúng ta cần cân nhắc xem kết quả thu được có đủ để giúp chúng ta đạt được mục tiêu phân tích hay chưa? Chúng ta đã giải quyết được vấn đề đặt ra từ ban đầu hay không? 

Nếu bạn chỉ thu được các thông tin hỗn loạn và chung chung thì sẽ không làm được gì. Hoặc tệ hơn, kết luận và đề xuất của bạn hoàn toàn sai lạc với vấn đề đặt ra thì sẽ rất tai hại. Lúc này, ta cần phải xem xét lại phương pháp đã sử dụng, cũng là bước tiếp theo trong quy trình kiểm soát chất lượng phân tích thị trường.

Bạn đang phân tích thị trường như thế nào?

Dù mục đích và mục tiêu của bạn có rõ ràng đi chăng nữa nhưng sử dụng phương pháp sai cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Sau đây là 4 tiêu chí đánh giá phân tích thị trường chất lượng bạn cần nắm:

  • Tính hệ thống và logic: bài phân tích được chia ra các bước cụ thể, theo trình tự logic, cái này liên quan và bổ trợ cho cái kia.
  • Tính khách quan: dữ liệu thu thập kết hợp nghiên cứu sơ cấp và thứ cấp, định tính và định lượng từ nhiều nguồn thông tin đa chiều.
  • Tính đáng tin cậy: nguồn thông tin rõ ràng và chính thống, số lượng mẫu phù hợp, tuyển chọn đáp viên kỹ càng, không có dữ liệu xấu, v.v.
  • Tính hành động: phân tích và đề xuất có dẫn đến kế hoạch hành động cụ thể hay không

Ta còn có thể làm tốt hơn không?

Khi nhìn nhận và đánh giá cả quá trình như vậy, ta sẽ thấy được các sai lầm cần khắc phục. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên cố gắng tìm những điểm chưa đạt hoặc còn có thể làm tốt hơn nữa để không ngừng cải tiến chiến lược phân tích thị trường của mình.

Sau khi kết thúc bài viết này, chúc bạn đọc có được những bài phân tích thị trường hiệu quả và kinh doanh thành công. Nếu bạn muốn thảo luận thêm về chủ đề này hoặc nhận các tài liệu liên quan, đọc vui lòng tham gia nhóm Facebook Tại Đây 

Xem thêm >>> Bí quyết tiếp cận hàng ngàn khách hàng với chi phí 0 đồng
Please wait while you are redirected...or Click Here if you do not want to wait.